Thị trường công việc tạm thời bùng nổ nhờ di dân

July 25th 2019, for

Jusmely Vasquez kiểm tra điện thoại. Cô có thể dành ra 10 phút cho một cuộc phỏng vấn nhanh, cô nói, trước khi đến địa chỉ giao hàng kế tiếp.

Vasquez là người giao hàng bằng xe đạp cho Rappi, ứng dụng giao hàng của Colombia vốn đã gây bão trong khu vực.

Vasquez, nhạc sỹ, kỹ thuật viên cơ khí 24 tuổi, chuyển đến Colombia hai năm trước. Cô được trang bị ba lô màu cam đúng chuẩn của Rappi.

Các căn hộ nhỏ bé đang lấn chiếm khu vực Mỹ Latin

Văn hoá xếp hàng ngày nay phản ánh những gì?

Khi nói dối là kỹ năng cần thiết để hành nghề

Chiếc áo nỉ với dòng chữ ‘Made in Venezuela’ trên logo thì không nằm trong bộ đồng phục của cô, nhưng nó cũng có thể coi là đồng phục vậy.

Ở thủ đô Bogota, có sự mặc định rộng rãi rằng hầu hết người làm việc cho Rappi là người dân Venezuela vượt biên để chạy trốn đói nghèo.

Năm ngoái, Rappi đạt được địa vị kỳ lân, một danh từ được trao cho các công ty khởi nghiệp công nghệ có trị giá hơn 1 tỷ đô la. Đó là một thành tựu lớn cho một công ty được sáng lập bởi chỉ ba doanh nhân người Colombia vào năm 2015.

Sự vươn lên của hãng này trùng hợp với một vòng xoáy khủng hoảng ở nước láng giềng phía đông với sự bất mãn chính trị bắt nguồn từ siêu lạm phát, cúp điện và thiếu hụt lương thực, khiến bốn triệu người Venezuela phải tháo chạy.

Đối với nhiều người trong số họ, Rappi đã trở thành nguồn sống, đem đến cho họ công ăn việc làm mà họ rất cần.

Tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng di dân đã kìm hãm tiền lương, trong khi một số chuyên gia đặt câu hỏi liệu thành công của Rappi có được xây dựng dựa trên cuộc khủng hoảng di cư của Venezuela hay không.

Lực lượng lao động mới

Rappi bắt đầu là một dịch vụ giao hàng tạp hóa ,nhưng từ đó đã biến thành một ‘siêu ứng dụng’, tích hợp nhiều dịch vụ và chức năng.

Nó cho phép mua sắm thực phẩm và thuốc men (Instacart), gọi món từ nhà hàng (Uber Eats, Deliveroo), rút tiền mặt và chuyển tiền di động (Venmo).

Nó cũng đã trở thành một cách giúp khách hàng hoàn thành những việc lặt vặt: một nhân viên Rappi có thể giao các gói hàng nhỏ hoặc thậm chí mua sắm quần áo cho bạn (TaskRabbit).

Trong bốn năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, hãng đã mở rộng sang sáu quốc gia Mỹ Latin và cho biết hiện tại công ty có hơn 100.000 nhân viên giao hàng. Công ty đã đạt được địa vị ‘kỳ lân’ nhiều người mơ ước vào năm 2018 và tiếp theo đó vào tháng Tư nhận được khoản đầu tư 1 tỷ đô la từ Ngân hàng SoftBank của Nhật Bản.

Luiza Bandeira
Jusmely Vasquez, 24 tuổi, là một trong số rất nhiều người Venezuela làm công việc giao hàng bằng xe đạp cho hãng Rappi

Rappi không công bố chi tiết về việc họ thuê bao nhiêu nhân công Venezuela và nói rằng họ không muốn nuôi dưỡng tâm trạng bài người di cư trong khu vực.

Tuy nhiên, hãng có tuyên bố rằng 30% nhân viên giao hàng của họ trên khắp Mỹ Latin là người nhập cư.

Bạn đã biết đi du lịch đúng cách để không bị ghét bỏ?

Chuyện ‘làm ăn’ nhộn nhịp trong tù ở Anh

Chế độ nghỉ thai sản ở các nước phát triển

Các nhà kinh tế, tổ chức phi chính phủ có liên hệ với di dân và các học giả liên quan đến di cư, và hàng chục nhân viên giao nhận Rappi được BBC Capital phỏng vấn đều tin rằng hầu hết nhân viên Rappi ở thủ đô Colombia – cũng như ở các quốc gia như Argentina – là di dân từ Venezuela.

Điều đó đã làm nảy sinh ý tưởng rằng Rappi đã gián tiếp hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng vốn đã đưa 1,3 triệu người Venezuela đến cửa Colombia. Những di dân này cần việc làm khẩn cấp, và do đó đã đẩy mức tiền lương tụt xuống trên cả đất nước, theo phúc trình của Ngân hàng Thế giới.

Rappi bác bỏ ý kiến cho rằng hầu hết lao động của họ là người Venezuela và ý kiến rằng họ hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng di dân.

“Điều này hoàn toàn không đúng. Chúng tôi rất tự hào rằng chúng tôi thuê mướn nhân công Venezuela, nhưng nếu không phải là họ thì chúng tôi cùng sẽ như vậy. Chúng tôi không có kế hoạch thuê họ vì họ rẻ,” nhà đồng sáng lập Rappi là Simón Borrero nói.

Tuy nhiên, một số chuyên gia nghĩ rằng cuộc khủng hoảng đã giúp thúc đẩy Rappi tăng trưởng nhanh.

Trên toàn cầu, di dân thường chiếm một tỷ lệ đáng kể trong nền kinh tế tạm thời. Nhưng trong trường hợp của Colombia, sự đổ vào đột ngột của di dân đã dẫn đến thay đổi đột biến trong lực lượng lao động.

“Không phải là họ trả cho người Venezuela ít hơn dân Colombia, hay là họ giảm tiền công cho mỗi chuyến giao hàng sau khi các di dân đến,” Cristobal Perdomo, nhà đồng sáng lập của Jaguar Venture, một công ty đầu tư mạo hiểm vốn phân tích hoạt động kinh doanh của Rappi năm 2016, nói.

“Điều mà tôi tin là đã xảy ra là nếu họ trả chẳng hạn 50 peso cho mỗi lần giao hàng vào năm ngoái hoặc hai năm trước, họ vẫn có thể trả 50 peso trong năm nay và di dân Venezuela vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho họ.”

Borrero xác nhận rằng tiền công cho mỗi lần giao hàng không tăng kể từ năm ngoái. Ông nói rằng không cần thay đổi gì cả vì Rappi đã mở rộng lượng người dùng, có nghĩa là mỗi nhân viên có nhiều chuyến giao hàng hơn và nhận được tổng mức lương nhiều hơn – mức tăng trung bình 11% cho mỗi nhân viên.

Juan Carlos Guataquí, giáo sư kinh tế tại Đại học Rosario ở Colombia, nói rằng nhân công Venezuela đóng vai trò chủ chốt.

“Nếu không có người Venezuela di cư, người Colombia có làm việc cho Rappi không? Chắc là có. Nhưng làn sóng di dân đã đem đến cho Rappi một lực lượng lao động rẻ hơn nhiều so với dân Colombia, bởi vì họ cần phải làm việc,” ông nói.

Luiza Bandeira
Rappi không công bố chi tiết số nhân công người Venezuela mà hãng sử dụng, nhưng nói 30% các nhân viên giao hàng của họ trên toàn Mỹ Latin là di dân

Tiền lương có bị ảnh hưởng?

Việc hội nhập di dân Venezuela vào thị trường lao động không phải là điều dễ dàng gì đối với Colombia, quốc gia vốn đang đối phó với những thách thức của riêng họ sau nhiều thập kỷ nội chiến.

Cách viết thư tự động ‘tôi đang đi vắng’ đạt hiệu quả

Để tránh kiệt sức vì công việc

Fukuoka, nơi ươm mầm khởi nghiệp ở Nhật Bản

Năm 2017, chính phủ đã đưa ra chính sách cấp giấy phép lao động để cho phép người Venezuela làm việc hợp pháp, cũng như đăng ký chính thức để họ có thể tiếp cận giáo dục và y tế.

Đây là một động thái hào phóng và ‘gần như là chưa từng thấy’, đặc biệt là ở một quốc gia có tỷ lệ đói nghèo cao, Michael Lerner, quan chức về giải pháp bền vững của UNHCR nhận xét.

Thị trường lao động vật lộn để hấp thụ làn sóng này.

Ở Colombia, gần một nửa dân số làm việc không có hợp đồng hợp pháp, khiến việc kiếm việc làm chính thức càng trở nên khó khăn hơn đối với những người mới đến.

Theo Lerner, chỉ 10% người lao động Venezuela ở Colombia có hợp đồng.

Tuy nhiên, một phúc trình của Đại học Rosario và Quỹ Konrad Adenauer (KAS) nhận thấy chỉ có 0,7% di dân Venezuela tìm được việc làm chính thức ở Colombia, và 45% làm việc trong khu vực không chính thức.

“Giấy phép làm việc mà hầu hết họ có chỉ có hiệu lực trong hai năm và nhà tuyển dụng không muốn thuê một người sẽ có thể ra đi sớm như vậy,” María Clara Robayo, một trong những tác giả của bản phúc trình, nói.

“Ngay cả khi họ có được giấy phép làm việc này, họ cũng gặp khó khăn trong việc mở tài khoản ngân hàng và ký hợp đồng lao động.”

Tinh thần bài ngoại cũng là một nhân tố, Giáo sư Guataquí ở Đại học Rosario nói thêm. Colombia không quen tiếp nhận người nhập cư, có nghĩa là nhiều người vẫn thích thuê người địa phương, ông giải thích.

Getty Images

Một trong những tác động lớn nhất là vấn đề tiền lương bị giảm.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chưa được công bố cho thấy nếu di dân từ Venezuela gia tăng 1% thì tiền lương sẽ giảm trung bình 3% trong các cộng đồng người dân Colombia sở tại.

Con số này bao gồm những người Colombia đã tìm đến Venezuela để thoát khỏi cuộc nội chiến và sau đó trở về nước trong bối cảnh khủng hoảng. Nếu chỉ xét trong phạm vi hẹp với người Venezuela, mức lương giảm là gần 5%.

“Nền kinh tế có một số lượng công việc nhất định có sẵn và có một số lượng công nhân nhất định có sẵn. Khi bạn tăng số lượng công nhân chứ không phải việc làm thì nhà tuyển dụng có thể thuê công nhân với mức lương thấp hơn,” German Caruso, kinh tế gia của Ngân hàng Thế giới, giải thích.

Tại một cuộc biểu tình vào tháng 10/2018, các nhân viên hợp đồng người Colombia cho rằng Rappi đã giảm tất cả tiền lương của tất cả nhân viên giao hàng mà nguyên nhân trực tiếp là sự xuất hiện của di dân Venezuela. Họ nói rằng những di dân không biết mức lương trước đó như thế nào và hết sức cần tiền, do đó họ chấp nhận được trả thấp hơn.

Borrero xác nhận hệ thống tiền lương đã thay đổi vào năm ngoái, nhưng nói rằng nó không liên quan đến người Venezuela. Ông nói rằng Rappi đã làm cho hệ thống trở nên công bằng hơn bằng cách phản ánh khoảng cách và loại dịch vụ: nhân viên giao hàng có thể nhận được ít hơn cho các chuyến hàng khoảng cách ngắn nhưng được trả nhiều hơn cho các chuyến đi dài.

Borrero nói rằng Rappi đang bị ‘trừng phạt’ do hành động của các công ty kinh tế ngắn hạn khác đã sử dụng mô hình này để trả ít hơn mức lương tối thiểu.

“Mọi người nghĩ rằng chúng tôi đang kiếm cách để kiếm được nhiều tiền hơn và trả lương ít hơn cho nhân viên của chúng tôi. Nhưng chúng tôi có một danh sách chờ, chúng tôi không phải trả nhiều hơn mức lương tối thiểu. Chúng tôi muốn trở thành một công ty tạo cơ hội cho người dân ở Mỹ Latin, chúng tôi muốn giúp lục địa này phát triển.”

Theo Borrero, nhân viên giao hàng của Rappi được trả trung bình cao gấp 2,5 lần mức lương tối thiểu ở Mỹ Latin.

Ở Colombia, mức lương tối thiểu hàng tháng hiện tại là khoảng 258 đô la Mỹ. Công ty cho biết tiền lương phụ thuộc vào khoảng cách, loại hàng và ngày làm việc.

Ở Colombia, một người giao hàng có thể kiếm được từ 1 đến 1,25 đô la Mỹ nếu giao đồ ăn cho nhà hàng hoặc tối đa là 4 đô la Mỹ cho công việc phức tạp hơn.

Carlos Esteban, một nhân viên giao hàng Venezuela vốn đến Bogota bảy tháng trước, cho biết ông kiếm được khoảng 300 đô la một tháng với thời gian làm việc chín giờ một ngày, sáu ngày mỗi tuần – nhiều hơn mức lương tối thiểu, nhưng ít hơn mức ước tính mà Borrero đưa ra.

Những người mới tham gia thường được khách hàng đánh giá thấp hơn, có nghĩa là ứng dụng giao cho họ ít mối hàng hơn.

Margen Albornoz, một nhân viên giao hàng người Venezuela, cho rằng số lượng nhân viên cao hơn có nghĩa là mọi người nhận được ít việc hơn. Nhưng cô nói rằng cô kiếm được nhiều hơn khi làm việc cho Rappi so với các công việc bình thường khác mà cô đã làm ở Colombia.

Đồng nghiệp người Colombia của cô, Esteban Girardo, thì thẳng thắn hơn. “Có nhiều di dân Venezuela làm việc ở Rappi đến nỗi không thể kiếm được tiền ở đó nữa,” anh nói.

Chàng trai 18 tuổi này, người đã chờ đợi gần cả giờ đồng hồ để nhận một yêu cầu của khách, nói rằng vào những ngày ngon ăn, anh có thể kiếm được 10 đô la trong sáu tiếng. Vào những ngày ế khách, anh kiếm được 2,15 đô la, ít hơn mức lương tối thiểu nhiều.

‘Điều tích cực’

Trên toàn thế giới, người di cư có thể được hưởng lợi từ nền kinh tế tạm thời, nhưng các chuyên gia cho rằng các nền tảng như Uber, Lyft và các nền tảng khác có thể là con dao hai lưỡi.

“Theo một nghĩa nào đó thì toàn bộ nền kinh tế tạm thời là điều tuyệt vời cho người nhập cư, bởi vì nó cho phép họ đến một quốc gia và bắt đầu làm việc ngay vào ngày hôm sau mà không mất nhiều thời gian để kiếm việc,” Kirsten Sehnbruch từ Viện Bất bình đẳng quốc tế thuộc Trường Kinh tế London (LSE) nói.

Mặt khác, có mối quan ngại về việc các nhân công kinh tế tạm thời dễ bị tổn thương, phải làm việc dài giờ, không được đảm bảo chắc chắn về công việc và chỉ có những mối liên hệ yếu ớt với hệ thống phúc lợi xã hội.

Rappi nói rằng nhân viên giao hàng là những người cung ứng dịch vụ độc lập. Họ nhận bảo hiểm để trang trải tai nạn lao động, nhưng không được cung cấp bảo hiểm y tế, cũng không có khoản đóng tiền vào quỹ lương hưu.

Luiza Bandeira

 

 

Tại Colombia, gần một nửa lực lượng lao động không có hợp đồng hợp pháp, khiến cho những người mới tới rất khó tìm được các công việc chính thức

Hãng Rappi lập luận rằng trung bình các nhân viên giao hàng kết nối với ứng dụng 12 giờ mỗi tuần và hầu hết làm việc để tăng thu nhập sau công việc chính hàng ngày của họ. Các nền tảng khác trong nền kinh tế tạm thời, như Uber, cũng sử dụng mô hình tương tự.

Các công việc kinh tế tạm thời cũng không tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, khiến di dân bị bỏ bên rìa thị trường lao động.

“Với mức lương thấp, họ không có khả năng tiết kiệm để đầu tư vào việc học hành. Vì vậy, những công việc này không gây tác động trong vấn đề huy động các nguồn lực trong xã hội,” Guataquí giải thích. Ông xem Rappi là ‘chương trình làm việc khẩn cấp’ dành cho người Venezuela ở Colombia.

Hội nhập lao động thông qua hệ thống không chính thức thường có nghĩa là họ không phải đóng thuế.

Vì họ tự làm chủ, nhiều người không khai báo thu nhập. Về mặt dài hạn, điều này ảnh hưởng đến khả năng Colombia hưởng lợi từ di dân, theo ông Caruso của Ngân hàng Thế giới.

Felipe Muñoz, quan chức chính phủ được giao nhiệm vụ xử lý cuộc khủng hoảng di dân, nói rằng việc hội nhập di dân Venezuela vào nền kinh tế là một mục tiêu then chốt.

Lý tưởng là, ông nói thêm, mọi người sẽ đóng góp cho hệ thống an sinh xã hội. Thế nhưng ông cũng thừa nhận đây là một thách thức rất lớn.

“Chúng tôi không ngây thơ, chúng tôi biết rằng một số khu vực có tỷ lệ ao động không chính thức rất cao. Do đó, chúng tôi coi việc Rappi và các công ty khác tạo ra thêm công ăn việc làm là điều tích cực, bởi nó giúp cho di dân ít nhất thì cũng có việc làm.”